Mọi người Việt Nam đều biết phân biệt điều lành, điều dữ. Ai cũng biết “ở hiền gặp lành.” Ai cũng muốn ăn ngay ở lành. Chịu ảnh hưởng của Nho Giáo, người Việt Nam còn biết quí trọng đạo làm người, biết ơn quân sư phụ, biết giữ nhân, nghĩa, lễ trí, tín. Đa số người Việt Nam đều sùng đạo, không theo tôn giáo nầy thì cũng theo tín ngưỡng khác. Từ đó có nhiều người quan niệm cho rằng Đạo nào cũng tốt, Đạo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, vậy Đạo Tin Lành cũng là Đạo tin theo để làm lành thì không cần theo, vì mình đã có đạo rồi, thậm chí đạo của mình đang có đông người theo.

Thật ra, chữ Tin Lành có nghĩa là “tin tức tốt lành” chứ không có nghĩa là tin theo để làm lành. Nếu truyền thêm cho người Việt một đạo dạy làm lành nữa thì cũng bằng thừa vì từ nhỏ cho đến lớn, ai cũng biết cần phải làm lành. Vấn đề ở đây là loài người dù ý thức cần làm lành nhưng không đủ khả năng làm lành cho trọn. Thánh Phao-lô đã diễn tả sự thật này như sau: “Tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, bởi tôi có ý muốn làm điều lành nhưng không có quyền làm trọn, vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Vậy tôi thấy có một luật nầy trong tôi: Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi” (La-mã 7:18-21). Một thánh nhân mà còn tự thú như vậy huống chi chúng ta là phàm nhân. Sở dĩ chúng ta không làm lành trọn được là vì luật tội lỗi đang hiện diện trong mỗi con người chúng ta, chế ngự tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta không có khả năng làm lành cho trọn. Dù suốt đời ta cố làm lành nhưng chỉ một ngày ta lỡ làm ác thì cũng luống công. Kinh Thánh chép: “Người nào giữ toàn bộ Luật Pháp, nhưng chỉ phạm một điều là coi như đã phạm tất cả” (Gia-cơ 2:10).

Dù ta chưa làm gì nên tội đối với luật pháp của loài người thì trước mặt Đức Chúa Trời chúng ta vẫn vị kể là tội nhân. Dù ta có làm được bao nhiêu việc lành đối với đời, thì trước mặt Chúa vẫn còn thiếu hụt, không có gì đáng kể. Những việc công bình của loài người đều được Ngài xem như “áo nhớp”. Tiêu chuẩn của Chúa là trọn vẹn, mà loài người thì bất toàn. “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” Thánh Phao-lô làm chứng tiếp: “Thật bất hạnh cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát ách nô lệ của thể xác tội lỗi hư hoại nầy?” Rồi ông vui mừng phát biểu: “Tạ ơn Thượng Đế, tôi được giải cứu nhờ Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta” (La-mã 7:24-25).

Cảm tạ Chúa, vì Chúa biết rõ loài người không có khả năng làm lành cho trọn, cũng không có khả năng tự mình giải thoát ra khỏi quyền lực ghê gớm của tội lỗi nên “đang khi chúng ta còn yếu đuối, Chúa Cứu Thế đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội (La mã 5:6). Nhờ sự chết đền tội của Chúa Cứu Thế Giê-xu và quyền năng của Đức Thánh Linh, khi một tội nhân ý thức tội lỗi, ăn năn tội, quyết tâm từ bỏ tội quay về cùng Chúa, thì Chúa ban quyền năng tái tạo người đó trở nên mới, đồng thời ban cho người đó có khả năng để làm những việc lành mà trước đó họ không làm được bằng sức riêng. Đây là một “tin tức tốt lành”, là giải pháp tuyệt hảo, cho mỗi chúng ta.

Nếu hiện nay quí đồng hương đang theo một tôn giáo dạy người ta làm lành, đó là điều tốt vì đã nói lên quyết tâm làm lành lánh dữ của quí đồng hương. Thế nhưng, chính trong quá trình cố gắng như thế, quí vị cũng đã nhận ra sự thật là mình làm lành không trọn, lòng không bình an, không biết chắc nỗ lực đến mức nào mới đủ để được lên thiên đàng. Tất cả mọi người đang tự tu, tự cứu rỗi đều có cùng một tâm trạng bất an như thế.

Người Tin Lành biết mình đã được cứu rỗi, với tâm trạng bình an, hy vọng. Người Tin Lành tin chắc khi qua đời là về ngay với Chúa trên thiên đàng. Vì sự cứu rỗi là quà tặng do Chúa Giê-xu đã làm xong và ban cho chúng ta. Quà tặng này không phải do chúng ta làm gì xứng đáng để nhận lãnh nhưng do lòng thương xót vô hạn của Chúa ban cho. “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng tặng phẩm của Đức Chúa Trời là đời sống vĩnh cửu trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta.” Đức Chúa Trời đã tuyên hứa như thế vì Ngài là Đấng thành tín, không bao giờ thất hứa. Rất mong quí đồng hương lấy lòng tin tiếp nhận Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu để hưởng được ơn cứu rỗi, nhiên hậu mới được hưởng bình an, thỏa lòng, yên tâm và sự sống mới do Chúa ban cho.

Tác giả: Mục Sư Nguyễn Văn Huệ