Đọc: 2 Cô-rinh-tô 11:21-30
Nếu phải tự hào, tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi. c.30
Hình ảnh cận cảnh trên màn ảnh rộng thật lớn và sắc nét, chúng tôi có thể thấy rõ những vết thương sâu trên cơ thể người đàn ông. Tên lính đánh anh ta trong khi đám đông hung dữ cười nhạo khuôn mặt đẫm máu. Những cảnh phim thật đến nỗi, trong sự tĩnh lặng của nhà hát ngoài trời, tôi co rúm như cảm nhận được nỗi đau đó. Nhưng đây chỉ là bộ phim tái hiện sự khổ nạn của Chúa Giê-xu.
Phi-e-rơ nhắc về sự khổ nạn của Chúa Giê-xu: “Anh em đã được kêu gọi đến điều đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, lưu lại cho anh em một gương để anh em noi dấu chân Ngài” (1 Phi. 2:21). Dù hoạn nạn có nhiều cách thức và mức độ, nhưng nó là điều phải xảy đến. Hoạn nạn của chúng ta có thể không cam go như những gì Phao-lô trải qua, ông vì Chúa Giê-xu mà bị đòn roi, ném đá, chìm tàu, nguy với trộm cướp, chịu đói khát (2 Cor 11:24-27). Cũng vậy, có lẽ chúng ta không phải chịu khổ như những người bị bắt bớ dã man ở những nơi không chấp nhận đạo Chúa.
Tuy nhiên, trong cách thức khác nhau, hoạn nạn sẽ xảy đến khi chúng ta gạt bỏ những ham muốn, chịu đựng phiền nhiễu, mang lấy sự xúc phạm, hay khước từ những việc không làm sáng danh Đức Chúa Trời. Khi tập kiên nhẫn, tránh xa thù hận và tha thứ cho người khác nhằm gây dựng các mối thông công tốt đẹp, đó là khi chúng ta đi theo dấu chân của Chúa.
Bất cứ khi nào gặp hoạn nạn, hãy nhớ lại những gì Chúa Giê-xu đã gánh chịu cho chúng ta.
Bạn đã học được những gì về Đức Chúa trời qua những thử thách của mình?
Trường học hoạn nạn dạy những bài học mà chúng ta không thể học ở nơi nào khác.
* Trích Lời Sống Hằng Ngày