Đọc: Mác 10:13–16

Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội. Rô-ma 5:6

Khi thầy giáo gọi Kathleen lên trước lớp ngữ pháp để phân tích một câu, cô hoảng sợ. Là một học sinh mới chuyển trường, cô chưa được học về điểm ngữ pháp này. Cả lớp cười nhạo cô.

Ngay lập tức thầy giáo đứng lên để bảo vệ cô. “Ngay tuần này, bạn ấy có thể viết lách còn đúng ngữ pháp hơn bất cứ bạn nào trong lớp đấy!” Thầy giải thích. Nhiều năm sau, Kathleen cảm thấy biết ơn khi nhắc lại kỷ niệm này: “Kể từ hôm đó, tôi bắt đầu tập viết như thầy nói.” Cuối cùng, Kathleen Parker giành chiến thắng trong một giải thưởng Pulitzer về kỹ năng viết lách.

Như thầy của Kathleen đã làm, Chúa Giê-xu đồng cảm với những người không có khả năng tự vệ và dễ bị tổn thương. Khi các môn đồ ngăn cản những đứa trẻ đến cùng Ngài, Ngài nổi giận nói: “Hãy để con trẻ đến cùng ta và đừng cấm chúng nó” (Mác 10:14). Ngài đến với một nhóm dân bị khinh thường, làm cho người Sa-ma-ri nhân lành trở thành anh hùng trong câu chuyện ngụ ngôn của Ngài (Lu-ca 10: 25-37) và đem niềm hy vọng thật cho một người phụ nữ Sa-ma-ri đang tìm kiếm hy vọng tại giếng Gia-cốp (Giăng 4: -26). Ngài bảo vệ và tha thứ cho một người phụ nữ mắc tội ngoại tình (Giăng 8: 1-11). Và mặc dù chúng ta đã hoàn toàn vô vọng, Chúa Cứu Thế đã ban sự sống của Ngài cho tất cả chúng ta (Rô-ma 5: 6).

Khi chúng ta bảo vệ những người bị tổn thương và những người bên lề xã hội, chúng ta đã cho họ một cơ hội để nhận ra khả năng tiềm ẩn của họ. Chúng ta bày tỏ tình yêu thật và bằng phương cách nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa, chúng ta phản chiếu tấm lòng của Chúa Giê-xu.

Lạy Cha, xin giúp con nhận ra những người trong cuộc sống của con cần một ai đó để đứng chung với họ. Xin tha thứ cho con vì nghĩ rằng “đó không phải vấn đề của con.” Xin giúp con yêu người khác như Cha đã yêu.

Chúng ta không thể yêu Chúa mà lại không yêu người khác.

* Trích Lời Sống Hằng Ngày