Đọc: Ê–sai 53:9-12
Người đã đổ mạng sống mình cho đến chết. Ê-sai 53:12
Con gái tôi òa khóc khi chúng tôi vẫy tay chào tạm biệt bố mẹ tôi. Sau khi đến nước Anh thăm chúng tôi, ông bà bắt đầu chuyến đi dài trở về Mỹ. Con bé nói: “Con không muốn ông bà đi về đâu. Khi tôi dỗ dành cháu, chồng tôi nói: “Anh e rằng đó là cái giá của tình yêu.”
Có thể chúng ta thấy đau buồn khi phải xa cách người thân yêu, nhưng Chúa Jêsus đã cảm nhận sự phân cách tột cùng khi Ngài trả cái giá của tình yêu trên cây thập tự. Đấng vừa là người vừa là Đức Chúa Trời đã làm trọn lời tiên tri của Ê-sai 700 năm trước rằng Ngài sẽ “mang lấy tội lỗi nhiều người” (Ê-sai 53:12). Trong chương này, chúng ta thấy nhiều lời ám chỉ Chúa Jêsus là Người Đầy Tớ chịu khổ, như “Ngài vì tội lỗi chúng ta mà bị vết” (c.5), là điều xảy ra khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá và khi một tên lính đâm xuyên hông Ngài (Giăng 19:34), và “bởi rằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh” (Ê-sai 53:5).
Vì yêu, Chúa Jêsus đã xuống trần và được sinh ra làm một em bé. Vì yêu, Ngài đã chịu sự sỉ nhục của những thầy dạy luật, của đám đông và của những tên lính. Vì yêu, Ngài chịu khổ và chết để làm sinh tế toàn hảo, thế chỗ cho chúng ta trước mặt Đức Chúa Cha. Chúng ta được sống nhờ tình yêu.
Lạy Chúa Jêsus Christ, Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của chúng con đi, xin thương xót chúng con, và giúp chúng con bày tỏ lòng thương xót và tình yêu thương với người khác. Xin chỉ cho chúng con biết cách chia sẻ tình yêu của Ngài với người khác trong hôm nay.
Chúa Jêsus là sinh tế toàn hảo, là Đấng đã chết để ban cho chúng ta sự sống.
Chú Giải:
Bạn đã bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sẵn sàng làm mọi thứ vì tình yêu? Hay ngược lại, đã bao giờ bạn né tránh tình yêu vì sợ bị tổn thương chưa?
Tám thế kỷ trước khi Đấng Christ ra đời, tiên tri Ê-sai đã phải thực thi một công tác vô cùng khó khăn đó là nói cho cư dân thành Giê-ru-sa-lem biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương họ nhiều đến mức Ngài không thể tiếp tục để họ xây lưng lại với Ngài mà không gánh chịu bất kỳ hậu quả nào. Trước khi lên án những thần tượng của Ép-ra-im, A-si-ri và Ai Cập, Ê-sai đã mô tả cư dân thành Giê-ru-sa-lem và Giu-đa như là những đứa con yêu dấu đã phản loạn lại Cha của mình (1:2–3). Trong chương 5, Đức Chúa Trời rõ ràng rất quan tâm đến dân sự của Ngài đến mức Ngài không thể để họ tiếp tục bám víu những tà thần và nuôi dưỡng những niềm hy vọng hão huyền của các nước khác (c.1–7).
Tuy nhiên, đan xen vào giữa những lời cảnh báo của Ê-sai đó là những lời hứa rằng mục đích của sự sửa phạt nặng nề Chúa đem đến đó là bởi lòng thương xót của Ngài. Xa hơn những hậu quả mà họ phải gánh chịu, Ê-sai nhìn thấy một tương lai của sự phục hồi không chỉ dành cho Giê-ru-sa-lem nhưng là cho cả thế giới này (2:1–5). Nhưng, cho đến ngày Chúa Jêsus phục sinh, phương tiện mà Đức Chúa Trời dùng để đem lại sự giải cứu đó chính là một bí mật của tình yêu Ngài.
* Trích Lời Sống Hằng Ngày