Đọc: Phi-lê-môn 8–18
Nhưng vì tình yêu thương, tôi muốn nài xin anh thì hơn. Phi-lê-môn 9
Trong quyển Lãnh Đạo Thuộc Linh, J. Oswald Sanders đã khám phá những đặc tính và tầm quan trọng của tài xử trí và tài ngoại giao. Sanders nói: “Kết hợp hai từ này lại sẽ là ý tưởng về kỹ năng trong việc dung hòa các quan điểm đối lập mà không gây tổn thương và không thỏa hiệp nguyên tắc.”
Trong khi bị tù ở La Mã, Phao-lô đã trở thành cố vấn thuộc linh và bạn thân của một người nô lệ chạy trốn tên là Ô-nê-sim, chủ của anh ta là Phi-lê-môn. Khi viết thư cho Phi-lê-môn, một nhà lãnh đạo hội thánh tại Cô-lô-se, xin ông tiếp nhận Ô-nê-sim như một người anh em trong Đấng Christ, Phao-lô đã minh họa cho tài xử trí và tài ngoại giao. “Dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền cho anh điều phải làm, nhưng vì tình yêu thương, tôi muốn nài xin anh thì hơn… Đối với tôi, người này [Ô-nê-sim] đặc biệt quý mến, nhưng đối với anh, lại càng quý mến hơn, cả về phần xác lẫn phần trong Chúa” (Phlm. 8-9,16).
Phao-lô, một nhà lãnh đạo đáng kính của hội thánh đầu tiên, thường đưa ra những mệnh lệnh rõ ràng cho các tín hữu. Dù vậy, trong trường hợp này, ông đã khẩn khoản nài xin Phi-lê-môn dựa trên sự bình đẳng, tình bạn, và tình yêu. “Tôi không muốn làm điều gì khi chưa được anh đồng ý, để việc lành anh làm không bởi ép buộc, mà do tự nguyện” (c.14).
Trong mọi mối quan hệ, nguyện chúng ta cố gắng gìn giữ sự hòa thuận và bảo vệ nguyên tắc trong tinh thần yêu thương.
Lạy Cha trên trời, xin ban ân điển và sự khôn ngoan cho chúng con trong mọi mối quan hệ để trở thành những người lãnh đạo, những bậc phụ huynh, và những người bạn khôn ngoan.
Người lãnh đạo phục vụ sẽ là người lãnh đạo tốt.
* Trích Lời Sống Hằng Ngày