Đọc: Lu-ca 2:8-14
Vì hôm nay tại thành Đa-vít, một Đấng Cứu Thế, là Đấng Christ, là Chúa đã được sinh ra cho các ngươi. C.11
Mùa hè năm 1861, bà Frances vợ của Henry Wadsworth Longfellow đã chết bi thảm trong một vụ hỏa hoạn. Và Giáng Sinh đầu tiên không có cô ấy, ông đã viết trong nhật ký: “Những ngày lễ buồn rầu không tả nổi!” Năm sau cũng không vui hơn, ông viết: “Bọn trẻ chúc “Giáng Sinh vui vẻ!” nhưng điều đó không còn dành cho tôi nữa”.
Năm 1863, khi cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ leo thang, con trai của Longfellow gia nhập quân đội trái với mong muốn của cha mình và bị thương nặng. Vào ngày Giáng Sinh năm ấy, khi tiếng chuông nhà thờ báo hiệu một Giáng Sinh đau thương nữa lại đến, Longfellow lại đặt bút viết bài thơ: “Tôi đã nghe thấy tiếng chuông rung lên trong ngày Giáng Sinh”.
Bài thơ bắt đầu vui tươi, trữ tình nhưng sau đó lại vụt tối. Hình ảnh dữ dội ở đoạn thơ thứ tư hầu như không phù hợp với một bài ca Giáng Sinh. Tiếng súng ầm ầm ghê rợn, nhạo báng thông điệp hòa bình. Ở đoạn thứ năm và thứ sáu, Longfellow gần như cô độc. Ông viết: “Tựa động đất làm rung chuyển các tầng lục địa”. Nhà thơ gần như bỏ cuộc: “Và trong tuyệt vọng tôi cúi đầu, tôi nói: Chẳng có sự bình an trên đất”.
Nhưng sau đó, từ trong vực sâu của ngày Giáng Sinh ảm đạm ấy, Longfellow đã nghe âm vang không thể diễn tả thành lời của hy vọng. Và ông đã viết đoạn thơ thứ bảy.
Sau đó tiếng chuông càng lớn hơn và thâm trầm hơn: “Chúa không chết, Ngài cũng chẳng hề ngủ! Điều ác sẽ thua, điều thiện sẽ thắng, cùng hòa bình trên đất, ân ban cho con người!”
Chiến tranh diễn ra ác liệt và kí ức về những bi kịch của bản thân ông cũng vậy, nhưng nó không thể chấm dứt Giáng Sinh. Chúa Cứu Thế đã giáng sinh! Ngài hứa “sẽ làm mới lại tất cả muôn vật” (Khải Huyền 21: 5).
Em-ma-nu-ên—Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta!
* Trích Lời Sống Hằng Ngày