Đọc: Cô-lô-se 3:12-17
Hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục. Cô-lô-se 3:12
Chúng tôi gồm bảy người đang tham dự một chương trình âm nhạc tại một công viên giải trí đông đúc. Vì muốn ngồi chung với nhau nên chúng tôi cố gắng ngồi sát vào cho đủ một hàng. Nhưng khi chúng tôi đã chật ních như vậy rồi, một phụ nữ vẫn chen vào giữa chúng tôi. Vợ tôi nói với cô ấy là chúng tôi muốn ngồi chung với nhau, nhưng người phụ nữ ấy nhanh nhảu đáp: “Gì kỳ vậy!” trong lúc cô và hai người cùng đi ráng chen vào ghế của chúng tôi.
Khi ba chúng tôi xuống ngồi hàng ghế phía sau bốn người còn lại, vợ tôi quan sát thấy người phụ nữ đó đi cùng với một người có vẻ như có nhu cầu đặc biệt. Cô ấy muốn cả ba người ngồi chung với nhau để cô dễ chăm sóc bạn mình. Đột nhiên, sự bực bội trong chúng tôi tan biến. Vợ tôi nói: “Chắc cô ấy sẽ rất khó khăn khi phải chen chúc trong đám đông như thế này.” Vâng, có lẽ người phụ nữ ấy trả lời cách cộc cằn. Nhưng chúng tôi vẫn có thể đáp lại bằng lòng thương xót thay vì tức giận.
Dù đi đâu, chúng ta cũng sẽ gặp những người cần đến lòng thương xót. Có lẽ những lời của sứ đồ Phao-lô có thể giúp chúng ta nhìn mọi người xung quanh bằng một cái nhìn khác—họ cần sự đụng chạm nhẹ nhàng của ân điển. “Anh em là những người được tuyển chọn của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu. Vậy, hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục” (Cô-lô-se 3:12). Ông cũng khuyên chúng ta “hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau” (c.13).
Khi chúng ta bày tỏ lòng thương xót, chúng ta sẽ cho người khác thấy Đấng đã tuôn đổ lòng thương xót và ân sủng của Ngài trên chúng ta.
Cha ơi! Lòng thương xót của Ngài không hề dứt. Nguyện chúng con phản chiếu tấm lòng của Ngài qua việc bày tỏ lòng thương xót đối với người khác.
Thương xót là thấu hiểu những hoạn nạn của người khác.
Chú Giải:
Động lòng thương xót không chỉ là cảm giác tội nghiệp cho người khốn khó; cảm xúc đó phải khiến chúng ta hành động để làm vơi đi sự khốn khó mà người đó đang phải chịu. Sứ đồ Phao-lô kêu gọi chúng ta hãy “cư xử với nhau cách nhân từ và dịu dàng” (Êph. 4:32) và hãy “bắt chước Đức Chúa Trời” (5:1). Chúa Jêsus truyền dạy chúng ta “thương xót như Cha các con hay thương xót” (Lu-ca 6:36). Trong một lần Chúa bày tỏ chính Ngài trong Kinh Thánh, Chúa đã mô tả về Ngài như là “Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót” (Xuất. 34:6). Chúng ta cũng đồng thanh với sứ đồ Gia-cơ rằng: “Chúa đầy lòng xót thương và nhân từ” (Gia-cơ 5:11).
Hãy thử tưởng tượng một thế giới không thương xót sẽ ra sao? Việc bày tỏ lòng thương xót quan trọng thế nào đối với con cái Chúa?
* Trích Lời Sống Hằng Ngày