Đọc: Lu-ca 22:39–46
Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hy sinh mạng sống mình. Giăng 15:13
Trong Phong trào Nghĩa Hoà Đoàn ở Trung Quốc vào năm 1900, những nhà truyền giáo bị giam giữ trong một ngôi nhà ở T’ai Yüan Fu đã quyết tâm đặt hy vọng sống còn duy nhất của mình vào việc chạy xuyên qua đám đông đang đòi giết họ. Nhờ những vũ khí trong tay, họ đã thoát khỏi mối đe doạ trước mắt. Tuy nhiên, khi thấy hai học trò người Trung Quốc đang bị thương của mình chưa thoát được, Edith Coombs đã bất chấp hiểm nguy lao ngược lại. Cô cứu được một người, nhưng vấp té khi quay lại cứu người thứ hai, và bị giết.
Trong lúc đó, những nhà truyền giáo ở quận Hsin Chou đã thoát được và ẩn núp ở miền quê, được người bạn Trung Quốc của họ là Ho Tsuen Kwei hộ tống. Nhưng anh đã bị bắt trong khi đang tìm đường thoát cho những người bạn đang ẩn núp của mình, và đã tuận đạo vì không chịu tiết lộ nơi họ trốn.
Trong đời sống của Edith Coombs và Tsuen Kwei, chúng ta thấy một tình yêu vượt trên văn hoá hay dân tộc. Sự hy sinh của họ nhắc chúng ta nhớ về ân điển và tình yêu lớn hơn của Cứu Chúa chúng ta.
Trong khi chờ đợi bị bắt giữ và sau đó là bị tử hình, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện khẩn thiết: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi Con!” Nhưng Ngài đã kết thúc lời cầu xin đó bằng tấm gương kiên cường của lòng quả cảm, yêu thương, và đức hy sinh: “Dù vậy, xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con” (Lu-ca 22:42). Sự chết và sự phục sinh của Ngài đã mở ra cho chúng ta cơ hội bước vào sự sống đời đời.
Chúa ơi! Nguyện thế gian thấy tình yêu và những hành động xuất phát từ tình yêu mà chúng con dành cho nhau như một lời chứng vĩ đại về sợi dây hiệp nhất mà chúng con có trong Ngài. Mong sao họ cũng muốn biết Ngài!
Chỉ ánh sáng tình yêu của Chúa Giê-xu mới có thể loại bỏ bóng tối của hận thù.
* Trích Lời Sống Hằng Ngày