Đọc: Rô-ma 12:1-8

Vậy thưa anh em, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài xin anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống. Rô-ma 12:1

Khi chơi bóng rổ ở đại học, tôi đã đưa ra một quyết định mỗi khi bắt đầu mùa giải là bước vào phòng tập và hoàn toàn giao bản thân cho huấn luyện viên của mình—làm bất cứ điều gì huấn luyện viên yêu cầu.

Tôi sẽ chẳng giúp ích gì cho đội của mình nếu tuyên bố: “Này, Huấn luyện viên! Tôi đây. Tôi muốn ném bóng vào rổ và rê bóng, nhưng đừng yêu cầu tôi phải chạy, chơi phòng thủ, và đổ đầy mồ hôi!”

Mỗi vận động viên thành công đều phải tin tưởng huấn luyện viên đủ để làm bất cứ điều gì huấn luyện viên yêu cầu họ làm vì lợi ích của đội.

Trong Đấng Christ, chúng ta phải trở nên “sinh tế sống” của Đức Chúa Trời (Rô. 12:1). Chúng ta nói với Cứu Chúa và là Chủ của mình rằng: “Con tin cậy Ngài. Dù Ngài muốn con làm gì, con cũng sẵn lòng.” Và Ngài “biến đổi” chúng ta bằng cách đổi mới tâm trí của chúng ta để tập trung vào những điều đẹp lòng Ngài.

Sẽ hữu ích khi biết rằng Chúa sẽ không bao giờ kêu gọi chúng ta làm điều gì mà Ngài không trang bị trước cho chúng ta. Như Phao-lô nhắc nhở “Chúng ta có các ân tứ khác nhau, tùy theo ân điển Chúa ban” (c. 6).

Khi biết có thể phó thác cuộc đời mình cho Chúa, chúng ta sẽ giao quyền kiểm soát cuộc đời mình cho Ngài, vững lòng vì biết rằng Chúa đã tạo dựng chúng ta và đang vùa giúp chúng ta thực hiện nỗ lực này trong Ngài.

Lạy Cha Thiên Thượng, không ai đáng để chúng con hy sinh và tận hiến ngoài Ngài. Xin giúp chúng con thấy được niềm vui khi giao quyền kiểm soát cuộc đời mình cho Ngài.

Giao quyền kiểm soát cuộc đời mình cho Chúa không phải là hành động mạo hiểm.

Chú Giải: Xét ở nhiều khía cạnh, bức thư sứ đồ Phao-lô gửi cho các tín hữu ở Rô-ma có thể nói là một bức thư mang nặng tính thần học nhất trong số các thư tín của ông. Tuy nhiên, bức thư này vẫn mang đậm tính chất cá nhân và vô cùng thực tiễn. Mười một chương đầu tiên của thư Rô-ma miêu tả ân điển của Chúa và cách ân điển đó liên quan đến việc Đức Chúa Trời cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi và phục hòa lại với Ngài. Đây là phần thư mang nặng tính giáo lý, nhưng cũng là những lời an ủi và khích lệ về chiều sâu của sự chăm sóc mà Chúa dành cho chúng ta. Chương 12–15 đưa chúng ta đến với những áp dụng thực tiễn cho sự dạy dỗ của Rô-ma 1–11. Lời kêu gọi trở nên những của lễ sống, sử dụng những ân tứ thuộc linh…, tất cả đều bắt nguồn từ việc Đấng Christ đem chúng ta trở lại cùng Đức Chúa Trời.

* Trích Lời Sống Hằng Ngày